Bạn có thực hiện sự thay đổi nào cho không gian nội thất trong năm qua? Điều chỉnh bố cục lại một chút hay sơn lại tường, thêm hoặc loại bỏ bớt đèn chiếu sáng?
Trải qua thời gian, mái nhà bạn từng quen thuộc có thể trở nên không còn thoải mái như buổi ban đầu. Tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi khiến cho không ít người buộc phải ở nhà. Bên cạnh những nỗi lo về sức khỏe hay tài chính, tâm trạng của chúng ta còn có thể bị tác động bởi chính màu sắc trong căn nhà. Một không gian nhiều màu xanh hơn có thể xoa dịu tâm hồn bạn.
Màu sáng sẽ phóng to gian phòng, trong khi màu tối khiến không gian bị nén và có vẻ thu hẹp lại. Khi nhà thiết kế muốn truyền tải một cảm xúc cụ thể hoặc tạo ảo giác, họ sẽ đặt những mảng tường tối xung quanh. Điều tương tự cũng áp dụng cho vật liệu và ánh sáng. Sự lựa chọn và bài trí của nhà thiết kế ảnh hưởng rất nhiều đến cách mọi người cư xử trong không gian.
Cách con người cảm nhận màu sắc
Về mặt lý thuyết, mắt và não người chuyển đổi ánh sáng phản xạ trên một vật thể thành màu sắc. Võng mạc có các thụ thể nhạy cảm với màu xanh lam, xanh lục và đỏ, chịu trách nhiệm nhận biết các màu. Sự kết hợp và biến đổi của ba màu này tạo ra quang phổ màu khả kiến (phổ màu có thể nhìn thấy). Sau đó, bộ não của con người tạo ra mối liên hệ giữa màu sắc đó với bối cảnh mà nó quen thuộc để nhận biết màu. Từ đó ảnh hưởng đến nhận thức tâm lý về màu sắc.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Đức, Dr. Kurt Goldstein, những màu có bước sóng dài hơn như vàng, đỏ và cam có tính kích thích so với những màu có bước sóng ngắn hơn như xanh lá cây và xanh dương, thường gợi lên sự bình tĩnh và thanh thản.
Tuy nhiên, cách mọi người cảm nhận màu sắc còn khác nhau do một số yếu tố như sự khác biệt về văn hóa, vị trí địa lý và tuổi tác.
Vai trò của màu xanh lá trong đời sống con người
“Màu xanh lá cây có thể có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình tiến hóa của con người do sự tương ứng của nó với môi trường tự nhiên màu mỡ. Nơi các yếu tố như khí hậu ôn hòa và thực phẩm sẵn có có lợi hơn cho sự tồn tại. Con người có xu hướng tìm kiếm và định cư ở những vùng địa lý xanh tươi, phì nhiêu. Từ đó có thể thấy, khuynh hướng trải qua tâm trạng tích cực trong môi trường tự nhiên là một bản năng bẩm sinh, trong đó màu xanh lá cây có một ý nghĩa đặc biệt.” Akers, et al.
Theo bản năng, bộ não của bạn sẽ liên hệ màu xanh lục với thiên nhiên và thảm thực vật. Trong tự nhiên, con người thường có cảm giác tươi mới, khỏe mạnh, yên bình. Thiên nhiên đã hiện hữu từ trước cả khi nhân loại xuất hiện và là biểu tượng quan trọng của sự đổi mới, phồn thịnh.
Nhiều nhà khoa học đã phát hiện ra rằng màu xanh lá cây có khả năng chữa lành, đó là lý do khiến màu này thường được sử dụng trong các phòng khám và khu chờ.
Ngay cả trong các studio truyền thông, khách mời và người được phỏng vấn của các chương trình truyền hình thường ngồi đợi trong một “căn phòng xanh” để giảm bớt căng thẳng khi lên hình.
Ngoài tính chất xoa dịu, màu xanh lục còn được liên hệ với khái niệm “đi”, như trên tín hiệu đèn giao thông và đồ họa thông tin. Điều này làm giải phóng endorphin (một chất giảm đau và an thần nội sinh) kích thích sự sẵn sàng, nó giống như một lời kêu gọi hành động.
Màu xanh lá trong thiết kế nội thất
Ngoài việc sơn tường, các nhà thiết kế đã đưa thế giới bên ngoài vào không gian trong bằng cách sử dụng biophilia (thiết kế hướng về tự nhiên) để tạo nên nguồn cảm hứng, thúc đẩy hạnh phúc, sự khoẻ khoắn và cảm giác thoải mái, kết hợp cây xanh trong bản vẽ của họ.
Về khả năng phối màu, xanh lục là một sắc tố rất linh hoạt, kết hợp tốt với các gam trung tính như nâu và xám – những màu thường được tìm thấy trong các khu nhà ở và không gian thương mại.
Mặc dù xanh lá thuộc nhóm tông lạnh, nhưng dải màu rộng tạo nên sự tương phản tốt với các tông màu ấm như vàng và cam. Vốn dĩ, màu đỏ và xanh lục là cặp đối lập trên bánh xe màu sắc nên chúng sẽ bổ sung cho nhau một cách tự nhiên.
Bạn có thể tham khảo một số thiết kế ứng dụng tính linh hoạt của màu xanh lá cây trong không gian nội thất sau:
Màu sắc của không gian không chỉ ảnh đến thẩm mỹ cảnh quan mà còn tác động trực tiếp lên sức khỏe tinh thần. Hi vọng bài viết nhỏ trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin tham khảo hữu ích trong việc bài trí và phối màu trong tổ ấm của mình. Chúc bạn vượt qua một mùa dịch bình an.
Nguồn tham khảo Archdaily