Âm nhạc đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhân loại từ xa xưa. Việc sử dụng âm nhạc để trị liệu có từ thời Hy Lạp cổ đại. Ngày nay, phương thức chữa trị này ngày càng được biết đến rộng rãi. Bài viết sau sẽ chia sẻ những tác động của giai điệu lên sức khỏe con người dưới góc nhìn y khoa.
Contents
Liệu pháp âm nhạc là gì?
Liệu pháp âm nhạc sử dụng các khía cạnh của giai điệu để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Trong y khoa, phương pháp này được tiến hành dưới sự dẫn dắt của một nhà trị liệu chuyên nghiệp. Liệu pháp âm nhạc có thể bao gồm:
- Nghe nhạc.
- Hát theo nhạc.
- Di chuyển theo nhịp điệu.
- Thiền có hướng dẫn.
- Chơi một nhạc cụ.
Tiết tấu tác động thế nào lên cơ thể chúng ta?
Những giai điệu trong ký ức có khả năng gây ra các phản ứng cảm xúc trong hiện tại khi bạn có dịp lắng nghe chúng lần nữa. Bài hát đi kèm với điệu nhảy đầu tiên trong đám cưới, bản tình ca nhắc nhở bạn về cuộc chia tay đầy khó khăn hay sự mất mát một người thân yêu. Âm nhạc – một cách rõ ràng, có khả năng tác động mạnh mẽ lên tâm trí.
Barbara Else (Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Hoa Kỳ) cho biết: “Con người có mối liên hệ sâu sắc đến vậy với âm nhạc vì nó được “gắn kết” trong não và cơ thể của chúng ta. Các thành tố của âm nhạc như: nhịp điệu, giai điệu… được lặp lại trong tâm sinh lý, hoạt động và bản thể của mỗi người.”
Nghe nhạc làm tăng lượng dopamine trong não. Chất này giúp cải thiện tâm trạng, từ đó có thể thấy được tính khả thi của âm nhạc trong điều trị trầm cảm. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nghe và chơi nhạc thúc đẩy việc sản xuất kháng thể và các tế bào giết tự nhiên (tế bào bạch cầu có khả năng tiêu diệt tế bào nhiễm virus và tế bào dị biệt, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch).
Giảm đau
Năm 2015, một nghiên cứu của Đại học Brunel (Anh) cho thấy âm nhạc có thể làm giảm đau đớn và lo lắng cho những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Hiệu ứng này thậm chí còn mạnh hơn đối với các trường hợp được quyền lựa chọn thể loại nhạc ưa thích.
Một đề tài khoa học khác tại Đan Mạch đã phát hiện ra rằng nghe nhạc giúp giảm đau và tăng khả năng vận động cho người bệnh bị đau cơ xơ hóa.
Nhưng tại sao âm nhạc lại xoa dịu nỗi đau? Mặc dù cơ chế của việc này chưa được kết luận chính xác, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng việc nghe nhạc sẽ kích hoạt giải phóng opioid trong não (chất giảm đau tự nhiên của cơ thể).
Giảm căng thẳng
Có rất nhiều người nhận ra khả năng kỳ diệu này của âm nhạc, lắng nghe một bản nhạc nhẹ yêu thích sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Tiến sĩ tâm lý học Daniel J. Levitin (đại học McGill – Montreal), tác giả cuốn “This is Your Brain on Music” (Não bộ của bạn với âm nhạc) cho biết: “Những bài hát thư giãn làm giảm nhịp tim, hô hấp và huyết áp, còn những âm thanh nhanh và kích thích sẽ gây tác dụng ngược lại. Các tiết tấu nhẹ nhàng khiến nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) hạ xuống.”
Khả năng tác động lên nhịp tim và xua tan stress khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng âm nhạc cũng có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch.
Âm nhạc và trí nhớ
Phương pháp học “nghe và hát ” giúp cho việc ghi nhớ các cụm từ trở nên dễ dàng hơn so với việc chỉ đọc suông.
Một số nghiên cứu kết luận rằng âm nhạc có thể khơi gợi lại trí nhớ cho những người bị rối loạn nhận thức, như bệnh nhân Alzheimer. Việc tổ chức các hoạt động giải trí bằng âm nhạc thường xuyên có thể mang lại lợi ích lâu dài về ý thức, tình cảm và xã hội đối với chứng sa sút trí tuệ nhẹ hoặc trung bình.
Giúp phục hồi sau tai biến
[tds_info]Những bệnh nhân đột quỵ được nghe nhạc khoảng 2 giờ mỗi ngày có trí nhớ, sự chú ý và tâm trạng tích cực hơn những người nghe sách nói hoặc không nghe gì cả.[/tds_info]
Bên cạnh đó, một đề tài khác cũng đã khám phá ra rằng việc áp dụng âm nhạc trị liệu thần kinh cho người sau đột quỵ đã cải thiện khả năng ngôn ngữ của người bệnh sau 1 tháng.
Một phát hiện đáng ngạc nhiên nữa chứng minh âm nhạc có khả năng ngăn chặn các cơn co giật của người bị động kinh. Não của người bệnh phản ứng với âm nhạc khác với người thường. Căng thẳng là chất xúc tác cho việc lên cơn và âm nhạc khiến họ thư thái hơn.
Âm nhạc và cuộc sống
Âm nhạc không chỉ đơn thuần giúp cải thiện cảm xúc mà còn tạo ra các ảnh hưởng tích cực khác lên sức khỏe con người. Ở nhiều nước phát triển, âm nhạc đã trở thành 1 hình thức trị liệu trong cả bệnh viện lẫn phòng khám tư nhân.
Tại Việt Nam, hình thức chữa trị này vẫn chưa được chú ý. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lắng nghe những bài hát ưa thích, hát theo, chơi với nhịp điệu như một hình thức giải trí giúp chữa lành tâm trí. Đặc biệt, khi số người mắc các chứng bệnh liên quan đến tâm thần ngày càng gia tăng. Hãy tự tạo ra cho chính mình một lối thoát để “xả bớt”. Âm nhạc là một lựa chọn phổ biến và dễ dàng.