Ngày còn bé, cứ mỗi lần sắp đến tết trung thu là tim mình lại nhộn nhịp. Đèn lồng đỏ và các quầy bánh tưng bừng khắp các con phố. Đêm rước đèn luôn là ký ức lung linh tuổi ấu thơ.
Tất nhiên, đêm rằm ấy cũng không thể thiếu sự xuất hiện của bánh trung thu. Món bánh ngày lễ hội này và cả chiếc hộp đi kèm ngày một kỳ công và tinh xảo hơn. Nhân hôm nay vui ca, chúng mình cùng nghe kể chuyện vừa thưởng bánh, uống trà đón trăng tròn nhé!
Contents
Tìm về nguồn gốc
Tết Trung thu rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, tức giữa độ thu sang. Trăng tròn được coi là biểu tượng của sự đoàn tụ, vì vậy tết trung thu còn được gọi là tết đoàn viên. Ngày lễ này khá phổ biến ở một số quốc gia Đông và Đông Nam Á.
Vẫn chưa rõ nguồn gốc tết Trung thu là ảnh hưởng của Trung Hoa hay xuất phát từ nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Hình ảnh mô tả Trung thu đã xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ. Đây cũng được coi là lễ hội đánh dấu sự kết thúc mùa vụ, người nông dân được thảnh thơi và vui chơi.
Tại Trung Quốc, lễ hội này được khai sinh cách đây hơn 2.000 năm như một lễ kỷ niệm mùa thu, nhằm tạ ơn các vị thần. Nhiều học giả cho rằng tết Trung thu xuất hiện lần đầu tiên vào thời nhà Tống, bắt nguồn từ truyền thống thờ mặt trăng, ngày 15 tháng 8 được chỉ định là ngày trung thu.
Bánh trung thu ban đầu có nguồn gốc từ thời nhà Đường. Trong lễ hội ăn mừng ngày khải hoàn tại thành Trường An, Đường Cao Tổ Lý Uyên đã chỉ vào mặt trăng với chiếc bánh tròn trên tay và ra lệnh chia bánh chiêu đãi cho các tướng sĩ. Từ đó, hình thành phong tục ăn bánh trong Tết Trung thu.
Bánh trung thu đóng một vai trò quan trọng trong việc giải phóng Trung Quốc (1206–1341 CN) khỏi người Mông Cổ vào thế kỷ 14. Thủ lĩnh phiến quân Chu Nguyên Chương muốn thống nhất các nhóm quân khác nhau để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, nhưng quan lại và binh lính triều đình phòng vệ và quản lý cực kỳ chặt chẽ, rất khó để tin tức được truyền đi.
Quân sư Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra một mưu kế, lệnh cho thuộc hạ giấu những thông điệp có ghi “tấn công đêm 15 tháng 8” trong bánh, rồi cử người giao cho nghĩa quân ở các nơi. Ngày ấy, tất cả các nhóm đồng loạt hưởng ứng, quân khởi nghĩa như lửa đốt thảo nguyên. Sau khi chiếm được kinh đô của nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương mừng rỡ ban lệnh:
Vào Tết Trung thu năm sau, tất cả binh lính và dân chúng sẽ cùng nhau vui chơi, và những chiếc “bánh trung thu” (nguyệt bính “月饼” – bánh mặt trăng) sẽ được thưởng cho các tướng lĩnh.
Kể từ đó, việc sản xuất bánh trung thu ngày càng cầu kỳ hơn, đa dạng chủng loại hơn, có loại to như cái đĩa, dùng làm quà biếu.
Ở Việt Nam
Bánh trung thu tại Việt Nam chủ yếu có bánh nướng, bánh dẻo và bánh pía. Bánh có hình vuông, tròn hoặc động vật. Bánh nướng chịu ảnh hưởng từ bánh trung thu Quảng Đông.
Vỏ ngoài mỏng làm bằng bột mì. Họa tiết tinh xảo hình hoa lá, chữ nổi, nhân thập cẩm (mứt bí, lạp xưởng, hạt dưa, trứng muối…) hoặc nhân đậu, khoai môn…
Bánh dẻo đơn giản hơn với lớp vỏ dẻo, trắng tinh làm từ bột nếp rang chín, thơm hương hoa bưởi, nhân ngọt ngào. Bánh có thể ăn ngay do đã chín sẵn.
Bánh pía là bánh trung thu của người Triều Châu. Vào cuối thế kỷ 17, một làn sóng những người theo chủ nghĩa bảo hoàng nhà Minh từ miền nam Trung Quốc tìm nơi ẩn náu ở các tỉnh miền Nam Việt Nam sau khi nhà Minh bị người Mãn Châu lật đổ. Họ được chia làm ba nhóm. Nhóm thứ ba gồm những cư dân ven biển phía nam Trung Quốc như: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.
Người Triều Châu đã mang bánh pía đến Sóc Trăng. Nổi tiếng nhất là bánh pía Vũng Thơm, có 2 vị phổ biến nhất là nhân đậu hoặc khoai cau. Từ pía có gốc từ tiếng Triều Châu “pi-é”, theo Hán Việt là bánh.
Làng Thượng Cung ở Thường Tín, Hà Nội năm xưa có truyền thống làm khuôn bánh bằng gỗ. Nhưng thời đại thay đổi, khuôn nhựa với mẫu mã đa dạng, tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều người bỏ nghề chuyển sang tạc tượng để kiếm sống. Chỉ số ít duy trì cái nghề tỉ mỉ, khó nhọc này.
Để làm khuôn phải chọn gỗ xà cừ, gỗ thị. Sau khi xẻ, phôi được kẻ mực, ngâm mỡ rồi mới đục. Khuôn có mùi thơm dịu tự nhiên. Nếu giữ gìn cẩn thận, khuôn gỗ có thể dùng được hàng chục năm. Mình có biết một chị làm bánh trung thu vẫn khen khuôn gỗ. Chị nói: “Khuôn gỗ đỉnh nhất, mỗi tội đóng đóng đập đập cực quá xá.” :))
Khám phá bánh trung thu ở các nước khác
Trung Quốc
Trên khắp Trung Hoa, bánh trung thu thay đổi tùy theo văn hóa và nếp ẩm thực ẩm thực địa phương. Các biến thể phổ biến nhất bao gồm:
✭ Bánh trung thu kiểu Quảng Đông
Các nguyên liệu thường dùng rất đa dạng: có hạt sen, hạt dưa, chà bông, thịt gà, vịt, thịt heo quay, nấm, các loại quả hạch, lòng đỏ… Phiên bản cầu kỳ hơn có bốn lòng đỏ trứng, tượng trưng cho bốn giai đoạn của mặt trăng. Bánh kiểu Quảng Đông có vị ngọt thanh.
✭ Bánh trung thu kiểu Bắc Kinh
Đây là món ăn nhẹ yêu thích của Từ Hi thái hậu. Vỏ ngoài của chiếc bánh sẽ bong ra như lông ngỗng khi bị va chạm. Vậy nên, bà đặt tên cho nó là bánh fan mao.
Nhân bánh được bọc bởi hai lớp. Lớp ngoài cùng làm bằng nước, dầu, bột mì, bột sữa. Lớp thứ hai có dầu và bột mì. Quá trình chế biến tinh tế khiến phần vỏ tan trong miệng. Nhân bánh gồm đậu đỏ, các loại hạt và trái cây.
✭ Bánh trung thu kiểu Tô Châu
Bánh trung thu kiểu Tô Châu là đặc trưng của vùng châu thổ sông Dương Tử quanh Thượng Hải. Xuất hiện cách đây hơn nghìn năm, món này nổi tiếng khắp Trung Quốc nhờ các lớp bánh ngọt xốp do được chiên lên, nhiều đường và mỡ heo. Bánh có cả loại ngọt và mặn.
✭Bánh trung thu kiểu Triều Châu
Bánh Triều Châu truyền thống có lớp vỏ mỏng làm từ mỡ lợn, bột mì, nhân đậu xanh hoặc đậu đỏ dày.
Nó có một biến thể lớn hơn, dẹt hơn, được làm từ bột mì, vỏ quýt, đường, bột ngũ vị hương và rắc mè phủ lên.
✭ Bánh trung thu kiểu Vân Nam
Vùng này có hai loại bánh trung thu nổi tiếng nhất:
- Bánh nhân thịt nguội thái hạt lựu và mật ong. Vị mặn và ngọt hòa quyện.
- Bánh nhân hoa dùng hoa hồng tươi hoặc các loại hoa ăn được khác.
Hàn Quốc
Trung thu (Chuseok) là ngày lễ quan trọng của người Hàn. Bánh songpyeon (송편) là món nhất định phải có trong dịp này.
Những chiếc bánh gạo nhỏ hình nửa mặt trăng được nhồi nhân ngọt như hạt mè và hấp theo cách truyền thống trên lớp lá thông. Cái tên songpyeon bắt nguồn từ việc sử dụng lá thông, chữ “song” trong “songpyeon” có nghĩa là cây thông.
Nhật Bản
Không giống như một số nước đồng văn (*) khác, người Nhật ngày nay không quá coi trọng tết Trung thu. Nước này có một ngày lễ mùa thu tương đương gọi là Tsukimi (月 見) (thưởng nguyệt) được tổ chức để mừng mùa thu hoạch. Theo truyền thống, mọi người sẽ ngắm trăng rằm, ngâm thơ, uống rượu sake, bài trí cỏ susuki và các món đặc trưng của mùa thu để cúng mặt trăng.
Bánh gạo tsukimi dango sẽ được ăn vào dịp này. Những chiếc bánh tròn tượng trưng cho mặt trăng. Ăn tsukimi-dango được cho là sẽ mang lại sức khỏe và hạnh phúc.
Theo phong tục, người ta sẽ bày 15 chiếc bánh để ứng với đêm rằm, trong khi một truyền thống khác chỉ xếp 12 chiếc, một chiếc cho mỗi tháng.
Các sản vật khác của mùa thu cũng được lựa chọn như đậu nành edamame, hạt dẻ, bí ngô, khoai môn, khoai lang, hoặc mì soba, udon với trứng sống, rong nori.
Vậy là chuyến du hành rằm trung thu qua một số quốc gia châu Á đã kết thúc. Hi vọng sẽ nhận được góp ý tích cực từ bạn và không ai bị mệt vì dài :)))
Với mình niềm vui ngày trung thu là một món quà quý giá. Đến tận những năm tuổi 20, trung thu và giáng sinh là hai ngày lễ mình háo hức nhất năm. Kỷ niệm thuở nhỏ mang theo niềm hân hoan trong tim đến tận tuổi trưởng thành.
Vậy nên, mình mong tất cả những bạn nhỏ sẽ luôn có lễ trung thu lấp lánh niềm vui. Và bạn, dù bạn đang ở đâu, mong trái tim bạn sẽ thật ấm áp trong đêm trăng này. Thử nhấc ghế ra hàng hiên, nhấp trà, nhâm nhi chút bánh, tận hưởng những phút giây thư thái của tiết thu. Nếu thích bài viết này, bạn hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé. Trung thu hạnh phúc, bạn mến ♡
(*) Đồng văn Trung Hoa: các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.