Hoàng đế – con trời, cùng với danh phận cao quý, bữa ăn của vua cũng tuân theo những lễ chế cung đình nghiêm cẩn. Các bữa ăn hoàng gia thường được phô bày tinh xảo và tạo ra sức hút khó cưỡng trên màn ảnh Trung Quốc. Vậy trên thực tế, các vị vua ăn uống thế nào?
Nhà bếp của hoàng gia bao gồm ba phần: bếp chính, bếp trà và bếp bánh. Mỗi phòng có một bếp chính, năm phụ bếp, một giám sát viên, một chuyên viên quản lý mua sắm & nguồn cung ứng.
Thực đơn được đính kèm tên của người nấu để có thể dễ dàng sắp xếp các món ăn cũng như truy vết thủ phạm nếu có dấu hiệu đáng ngờ. Công thức nấu ăn hoàng gia về cơ bản là phiên bản phức tạp hơn được tạo ra từ bữa ăn truyền thống của dân thường.
Ở cả hai triều đại nhà Minh và Thanh, ngự thiện đều chiếu theo một nguyên tắc: chế độ ăn uống phải tăng cường sức khỏe.
Lề lối phục vụ & phong tục cung đình
Các hoàng đế nhà Thanh thường dùng bữa một mình trừ những nghi lễ đặc biệt, thậm chí không có sự vui vẻ của mâm cơm đoàn viên.
Hoàng đế Càn Long thi thoảng có thể mời một người phối ngẫu đến ăn tối, nhưng nghi thức quy định rằng tất cả mọi người, ngoại trừ thái hậu, phải đứng khi có mặt hoàng đế. Hoàng hậu và các phi tần dùng bữa trong cung điện của riêng họ.
Khẩu phần của vua thường có thịt lợn, thịt cừu, thịt thú săn, thịt gà và rau. Tất cả các món đều được đậy nắp trước khi ăn. Thực đơn được lên sẵn cho mỗi bữa và đệ trình lên nội thần để phê duyệt. Chúng đều được lưu trữ lại.
Thức ăn được đặt trong bát, đĩa tráng men, liễn(*) màu xanh, trắng và khăn ăn thêu chỉ vàng bạc.
Món chính gồm súp tổ yến, vịt, gà, đuôi hươu, thịt lợn, bánh bao, bánh ngọt hoặc dưa chua. Thịt bò bị cấm vì quan niệm tội lỗi khi ăn những con vật đảm nhiệm việc chuyên chở.
Các hoàng đế triều Thanh có hai bữa ăn chính một ngày với dụng cụ ăn uống bằng vàng hoặc đồ sứ đặc biệt sản xuất tại Cảnh Đức trấn, tỉnh Giang Tây. Địa điểm và thời gian ăn uống của họ không cố định. Hoàng đế sẽ thông báo cho cận vệ khi muốn dùng bữa và sẽ ngồi ăn ở địa điểm bất kỳ. Các đầu bếp giao cho thái giám dọn ở chiếc bàn tiện cho hoàng đế ngay khi họ nhận được thông báo.
Nhà bếp hoàng gia có tổng cộng hơn 200 quan lại, đầu bếp và thái giám. Bữa ăn của hoàng đế được chuẩn bị riêng biệt với bữa ăn của những người khác.
Khi các món ăn được đặt lên bàn, người ta sẽ dùng một dụng cụ bằng bạc và đặt nó vào các món ăn. Họ tin rằng đồ bạc sẽ đổi màu nếu thức ăn bị nhiễm độc. Ngoài ra, còn có thái giám chuyên nếm thử trước.
Ăn uống lành mạnh theo mùa
Nhà bếp hoàng gia điều chỉnh chế độ ăn uống của hoàng đế theo mùa. Các món ăn mát nhẹ hơn được phục vụ vào mùa hè để tiếp thêm dịch lỏng cho cơ thể và các bữa ăn thịnh soạn, bổ dưỡng hơn vào mùa đông giúp tạo ra nhiều năng lượng sống hơn.
Ví dụ về bữa ăn theo mùa của Càng Long:
– Ngày 8 tháng 6 năm 1789, vua dùng bữa sáng tại điện Yihong. Trên bàn sơn mài, ông được phục vụ: lẩu thịt thú với tổ yến, vịt và thịt quay, lẩu vịt nấu canh khoai mỡ, các món salad thảo mộc, thạch đậu lạnh và vịt hầm rượu bông cải, rau muống xào với tôm khô nhỏ, củ sen hấp nếp, đậu phụ hầm nấm, gà vịt nấu xì dầu, bánh cuốn và bánh bao nhỏ hấp, bánh bao nhân thịt cừu bí đỏ, gà kho đậu, dưa chua bày trong hũ hình hoa tráng men, bốn món nguội đặt trên đĩa chân cao, một bát cơm gạo hạt tròn và một bát đậu luộc.
-Ngày 13 tháng 12, hoàng đế dùng bữa chiều trong phòng phía đông của điện Yangxin. Bữa ăn của ngài gồm: một nồi lẩu gà tổ yến và hạt thông, một nồi lẩu gà, thịt hun khói và bắp cải, một nồi lẩu bao tử cừu và thịt cừu xé nhỏ, gà hấp nấm tươi, thịt heo rang muối; nấm, thịt gà và thịt cừu hấp, vịt hấp và đuôi hươu, thịt lợn hầm xốt đặc, bánh ngọt, bánh bao hấp với thịt gà băm, thịt lợn muối và dưa chua đựng trong hộp hình hoa hướng dương màu bạc, bốn món nguội nhỏ đặt trên đĩa bạc, súp gà với cơm, súp vịt nấu với khoai mỡ và súp yến sào với tủy.
Các hoàng đế nhà Thanh đã ăn thực phẩm có đặc tính chữa bệnh. Nhiều hồ sơ từ kho lưu trữ của cung điện đề cập đến việc sử dụng rượu vang, nước trái cây, chiết xuất, trái cây được bảo quản và đường như những nguyên liệu bồi bổ sức khỏe. Những thực phẩm này được cho là có tác dụng kích thích dạ dày, thận, giúp ăn ngon miệng, giảm nội nhiệt và trừ đờm, bồi bổ cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
Các địa phương cũng cung cấp một số hoa quả làm cống phẩm: đậu phộng, chà là, quả hồng, hạt sen từ Sơn Đông; lê, phỉ, táo gai, nho từ Đông Bắc; quả hồng, đào từ Hà Nam; hoa mộc tê, dưa từ Thiểm Tây và Cam Túc; quýt, cam, đường phèn, trầu cau và nhãn từ Phúc Kiến; trái cây tươi từ Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và Quý Châu…
Theo Li Li, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Cố cung Thẩm Dương, nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, đã tổng hợp và tiếp thu tinh hoa truyền thống Trung Hoa, đồng thời phát triển ẩm thực cung đình đến đỉnh cao. Từ các tư liệu lưu trữ có thể thấy một số đặc điểm như:
Bữa sáng thường bắt đầu lúc 6 giờ và đôi khi bị trì hoãn đến 8 giờ. Bữa chiều chủ yếu là từ 12 giờ đến 2 giờ chiều. Theo quan điểm hiện đại, đây nên được coi là bữa trưa. Sau hai bữa ăn chính, có thể thêm một bữa phụ nếu đói.
Ẩm thực Mãn Châu là quốc vị nên các loại thịt thú săn, bánh nếp, dưa chua… đều là những món ngon mà hoàng đế và phi tần không thể bỏ qua, chế biến kiểu Sơn Đông chiếm chủ đạo. Trong thời kỳ Càn Long, từ một số chuyến tuần du phía Nam, các món ăn Tô Châu và Hàng Châu được đánh giá cao và trở nên phổ biến trong cung.
Các hoàng đế và hoàng hậu của triều đại nhà Thanh có sở thích ăn uống khác nhau. Càn Long rất cân bằng trong kết hợp. Hoàng đế Quang Tự thích ăn các món hải sản. Các nguyên liệu như vi cá mập, hải sâm, sứa và tảo bẹ được coi trọng; Từ Hi thích da heo quay, lưỡi vịt hầm và chân vịt, dưa hấu… bà cũng thích ăn những món ăn nhẹ như bánh bao nhỏ và tam giác chiên; Phổ Nghi rất thích đồ ăn phương Tây, từng đặt một phòng bếp món Tây trong Tử Cấm Thành.
Trong cung nhà Thanh có rất nhiều yến tiệc, ăn từ đầu năm đến cuối năm. Ngoài Tết Dương lịch, Trường thọ, Đông chí, còn có tiệc khải hoàn mừng chiến thắng, tiệc cưới hoàng đế, tiệc cưới công chúa, chiêu đãi sứ thần Triều Tiên và Tây Tạng, sứ thần và hoàng tử Mông Cổ, yến tiệc sinh nhật của thái hậu, yến tiệc sinh nhật của các phi tần, tiệc cưới của hoàng tử và cháu trai, yến tiệc của gia tộc và các lễ hội khác.
(*): Vật chứa thức ăn bằng sứ có miệng tròn, rộng và nắp đậy.
Tham khảo:
South China Morning Post
人民网
карнизы для штор с электроприводом [url=https://elektrokarniz1.ru/]карнизы для штор с электроприводом[/url] .