Nuôi dưỡng trẻ nhỏ, nhất là với những bạn lần đầu làm ba mẹ rất dễ gặp nhiều hoang mang. Trớ sữa là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Mình còn nhớ đã rất lo lắng khi con nôn trớ vào khoảng một tháng tuổi. Vậy nên, bài viết này là để cung cấp thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, cùng một ít trải nghiệm cá nhân được chia sẻ ở cuối bài.
Contents
Vì sao bé trớ sữa?
Có một vòng cơ giữa dạ dày và thực quản được gọi là cơ vòng thực quản dưới. Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, cơ này không phát triển như ở người lớn và trẻ lớn hơn, khiến bé dễ bị trào sữa ra khỏi dạ dày. Bản thân chất lỏng cũng dễ trào ra hơn thực phẩm dạng rắn.
Khi bú, bé có thể sẽ nuốt một ít không khí cùng với sữa. Khi lượng khí này thoát ra ngoài, chất lỏng cũng có thể trào lên theo. Đồng thời, dạ dày của bé vốn cũng rất nhỏ và thường mau chóng được lấp đầy, khi dạ dày đầy, sữa cũng sẽ dễ tràn ngoài.
Cha mẹ thường có cảm giác bé trớ ra nhiều hơn so với thực tế. Vì chất lỏng có thể lan ra, bạn hãy thử đổ một muỗng nước lên mặt bàn, nó sẽ trông như nhiều hơn so với thực tế.
Dịch nôn của bé bị vón lại có sao không?
Chế độ ăn của bé dưới 1 tuổi chủ yếu là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu bé trớ ra ngay sau khi bú, sữa sẽ trông vẫn bình thường, nhưng nếu sữa đã nằm 1 thời gian trong dạ dày và tiếp xúc với acid, sữa sẽ bị vón lại. Việc này không phải điều gì quá đáng ngại.
Sữa chảy ra từ mũi có bất thường không?
Mũi của trẻ cũng như người lớn được nối với sau họng, sữa hoàn toàn có thể trớ ra từ đường mũi, đây không phải hiện tượng quá kỳ lạ. Tình trạng này dễ xảy ra hơn khi bé ngậm miệng hoặc nghiêng đầu, khi quá trình nuốt gặp trở ngại như nấc, ho, hắt hơi.
Phương pháp để giảm thiểu tình trạng trớ sữa
Nếu bé bạn thường xuyên trớ sữa, bạn có thể thử một số cách sau để giảm bớt tình trạng này:
Khi cho bú nên để trẻ ở tư thế đầu ngực bụng thẳng hàng. Không nên cho bé ngồi cong lưng.
Cho bé bú trong môi trường yên tĩnh: giảm thiểu tiếng ồn và các yếu tố gây xao nhãng khác, không để trẻ quá đói trước khi cho bú. Nếu bé mất tập trung hoặc bú trong vội vã (vì đói), bé sẽ dễ nuốt nhiều không khí hơn.
Kiểm tra núm vú bình sữa: nếu trẻ uống sữa công thức hoặc sữa mẹ từ bình, bạn cần đảm bảo lỗ trên núm vú không quá nhỏ sẽ làm trẻ khó chịu và nuốt phải không khí. Nếu lỗ quá lớn, bé sẽ nôn và ọe vì chất lỏng sẽ chảy vào quá nhanh.
Thường xuyên cho bé ợ hơi: nếu trẻ tự tạm dừng một lúc trong khi bú, bạn có thể tận dụng cơ hội cho bé ợ hơi trước khi ăn thêm. Khi đó, nếu có không khí lọt vào, nó sẽ bay lên trước khi lượng sữa tiếp theo được đưa xuống. Nếu bé không ợ hơi ngay sau lúc đó, bạn cũng đừng lo lắng. Bạn có thể vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú xong.
Giảm áp suất xuống bụng: Ba mẹ cần đảm bảo quần áo và tã của trẻ không quá chật, cũng không nên để bụng của trẻ qua vai của bạn khi cho trẻ ợ hơi. Tránh đi ô tô ngay sau khi cho trẻ bú vì việc ngả lưng trên ghế ô tô cũng có thể gây áp lực lên dạ dày của bé.
Hạn chế hoạt động sau khi cho bú: đừng để trẻ dịch chuyển quá nhiều sau khi ăn, cố gắng giữ trẻ ở tư thế thẳng trong nửa giờ hoặc lâu hơn sau cữ bú.
Đừng cho bú quá nhiều: nếu bé trớ sữa hơi nhiều sau mỗi lần bú, có thể bé đã bú quá no. Bạn có thể thử cho trẻ bú lượng sữa công thức ít hơn một chút hoặc cho bé bú sữa mẹ trong thời gian ngắn hơn và xem bé có hài lòng không? (trẻ có thể bú ít lượng sữa ít hơn trong một cữ nhưng cần ăn thường xuyên hơn.)
Kiểm tra công thức của sữa. Bạn nên nhờ tư vấn từ bác sĩ nhi khoa xem bé có thể gặp phải trường hợp không dung nạp protein sữa hoặc protein đậu nành dẫn tới ọc sữa không? Nếu có, bác sĩ có thể đề nghị thử một loại sữa công thức thủy phân (không gây dị ứng) trong một hoặc hai tuần.
Nếu bạn đang cho bé bú, bạn có thể thử thay đổi chế độ ăn mới xem có cải thiện tình trạng nôn trớ không? Một số bà mẹ nhận thấy việc loại bỏ sữa khỏi thực đơn có thể làm giảm tình trạng trẻ bị ọc sữa.
Khi nào trẻ hết trớ sữa?
Hầu hết trẻ nhỏ ngừng trớ vào khoảng 6 đến 7 tháng tuổi hoặc sau khi bé biết ngồi. Khi hệ cơ phát triển và khỏe hơn, bé có thể giữ thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên, một số bé vẫn tiếp tục trớ cho đến một tuổi.
Khi nào cần lưu tâm đến việc trớ sữa?
Hầu hết các trường hợp trớ sữa không có gì đáng lo miễn là bé vẫn vui vẻ và tăng cân. Trẻ nôn trớ nhiều đến mức không tăng đủ cân hoặc khó thở có thể mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trớ sữa khác với nôn ói mạnh. Bạn cần mang bé khám bác sĩ nếu phát hiện một trong các dấu hiệu sau:
- Có máu trong dịch nôn của bé.
- Dịch nôn của bé có màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
- Dịch nôn của bé trông giống như bã cà phê.
- Bé không chịu ăn.
- Bé đột nhiên nôn trớ sau sáu tháng tuổi.
- Có máu trong phân của bé.
- Bé ngừng tăng cân.
- Bé ho dai dẳng hoặc khó thở.
- Bé có vẻ lờ đờ.
- Số lượng tã ướt giảm đột ngột.
- Bé nôn thành vòi phun mạnh ra.
Một số chia sẻ với ba mẹ
Trẻ mới sinh thường hành động theo bản năng, bé rất thích bú mút. Bé của mình là trường hợp bú rất nhiều, đói no gì cũng bú. Khi làm mẹ, mình chưa biết gì nhiều, bé mình sau khi trớ sữa 1-2 lần thì nôn thành vòi (cái này thì không còn chỉ là trớ ít nữa) vào khoảng 1 tháng tuổi.
Mình mang bé đi khám ở một bệnh viện tư nơi mình sinh bé. Vì bé tăng cân rất tốt (mặc dù nôn trớ khá nhiều), bác sĩ có nói là do bú no quá, đến 6 tháng thì hết.
Lúc viết bài này, mình có nhắn bạn mình là bác sĩ ở bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ về hướng xử trí nôn trớ ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Bạn mình bảo chủ yếu là hướng dẫn cách cho bú và xử lý sau bú đúng cách, thêm men vi sinh.
Sau này nhìn lại, mình nhận ra là mình cho con bú không phân biệt đói no. Thật ra, lúc đó tâm lý mình khá bất thường, mình sợ con đói, cũng không biết khi nào cần cho bú khi nào không. Mình cho con bú cực kỳ nhiều và có lẽ cũng là nhiều sữa đầu (có hàm lượng lactose cao) nên bé cũng sẽ dễ đầy hơi. Tâm lý sợ hãi con đói này của mình vô tình biến thành cho con bú quá nhiều có lẽ đến mức quá tải, cũng là một trong nhưng nguyên nhân khiến tình trạng nôn trớ nặng thêm.
Nuôi con là một hành trình dài cần phải học hỏi rất nhiều, mình sẽ tiếp tục chia sẻ thêm thông tin về cách ăn uống của mẹ cho con bú cũng như chăm sóc cho mẹ sau sinh sớm phục hồi. Bạn đăng ký Bản tin Sức khỏe Gia đình để nhận bài mới gửi đến hộp thư nhé.
Nguồn tham khảo
- https://www.babycenter.com/baby/newborn-baby/why-babies-spit-up_1765
- https://www.webmd.com/baby/why-is-a-baby-spitting-up-curdled-milk
- Nguồn ảnh: Canva
Miễn trừ trách nhiệm: bài viết chỉ có giá trị tham khảo, không thể thay thế cho trị liệu y tế từ bác sĩ nhi khoa trực tiếp thăm khám cho trẻ.